Cùng với nền kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế, ngành PTTM VN đã phát triển vượt bậc cả cung lẫn cầu. Khách hàng thuộc mọi thành phần, không chỉ nữ giới mà cả đàn ông đi PTTM ngày càng nhiều. Các bệnh viện và phòng khám chuyên khoa PTTM cũng thu hút được rất nhiều khách hàng là Việt kiều và người nước ngoài về làm đẹp nhờ chi phí hợp lý và tay nghề bác sĩ được khẳng định. Cần tìm hiểu kỹ qua những người đã trực tiếp phẫu thuật trước đó bằng nhiều nguồn khác nhau là cách tốt nhất, chứ không phải tìm hiểu qua những thông tin quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, qua Internet.
* Ông đánh giá thế nào về trình độ kỹ thuật chuyên môn, tay nghề của các bác sĩ PTTM VN so với các quốc gia có ngành PTTM phát triển?
- Sài Gòn từng là TP có ngành thẩm mỹ mạnh nhất Đông Nam Á nhưng bị chững lại sau năm 1975. Hiện nay, VN đang dần lấy lại thế mạnh của mình. Người VN nổi tiếng khéo léo, cần cù và sáng tạo và đa số bác sĩ trong ngành PTTM của VN có tố chất này. Trong việc thực hiện những thủ thuật, PTTM chính thống, bác sĩ VN không thua kém gì các nước khác.
Trình độ chuyên môn của bác sĩ và thành công của ngành PTTM hiện nay đạt được là do có những yếu tố cơ bản để phát triển. Đó là có cơ sở thực hành chuẩn ở các bệnh viện chuyên khoa, các khoa, phòng khám phẫu thuật đúng quy định; có hội chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ ở TP.HCM và Hà Nội; có cơ sở đào tạo chính quy về PTTM trong các trường đại học.
Nhờ đó số lượng bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được đào tạo hằng năm lên đến hàng trăm, trong đó có cả thạc sĩ, tiến sĩ.
Tuy vậy, trình độ của các bác sĩ PTTM chưa đồng đều nên cần được chuẩn hóa đào tạo chặt chẽ, có chất lượng không chỉ về kỹ thuật chuyên môn mà cả y đức, ngoại ngữ.
* Thưa ông, tỉ lệ biến chứng khi PTTM thế nào và Hội PTTM TP có khuyến cáo những người hành nghề cần đặt lợi ích của khách hàng làm đẹp lên hàng đầu?
- Hội PTTM TP luôn khuyến cáo các thành viên trong hội đặt lợi ích, sự an toàn tuyệt đối của khách hàng và uy tín của hội lên hàng đầu. Tuy nhiên, công việc của bác sĩ thẩm mỹ có khó khăn riêng vì PTTM là chuyên ngành đòi hỏi có sự phối hợp nhuần nhuyễn và khăng khít giữa khoa học và nghệ thuật. Ngoài biến chứng y khoa nói chung còn có biến chứng thẩm mỹ và những kết quả không hài lòng.
Thực tế khó tránh khỏi hoàn toàn biến chứng, nhưng tay nghề bác sĩ càng cao, số biến chứng càng giảm. Tần suất biến chứng sẽ tăng cao khi những người thực hiện không được đào tạo đầy đủ, thực hiện phẫu thuật trong những cơ sở kém trang thiết bị, không tuân thủ những quy trình cấp cứu, không hành xử vì bệnh nhân, nhất là khi những người hành nghề không phải là bác sĩ...
Ngoài ra, khi số ca phẫu thuật, thủ thuật càng nhiều số tai biến càng cao, điều này thấy rõ ở các nước có ngành PTTM mạnh như Hàn Quốc, Thái Lan...
Tuy nhiên, với những tiến bộ hiện nay, biến chứng trong PTTM đã được hạ thấp (trên dưới 1-2% đối với những phẫu thuật thông thường) nếu người dân biết lựa chọn cơ sở PTTM đúng.
* Làm thế nào để chọn đúng cơ sở PTTM, thưa ông?
- Trước khi đi làm đẹp, cần lựa chọn cơ sở thẩm mỹ có giấy phép do cơ quan y tế cấp. Phải tìm hiểu kỹ và chọn lựa bác sĩ có kinh nghiệm, tay nghề tốt và cái nhìn thẩm mỹ đúng, trực tiếp phẫu thuật cho mình. Cần trao đổi kỹ với bác sĩ đó về mong muốn của mình, cần nắm rõ những diễn biến của cuộc phẫu thuật, kết quả và biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật.
Lựa chọn bác sĩ trực tiếp phẫu thuật là điều rất quan trọng vì nó quyết định gần như tất cả kết quả đẹp xấu sau phẫu thuật.
Ngoài ra, không quá tin vào những lời quảng cáo có cánh, những bảo hành phẫu thuật trọn đời, vì con người không như cái máy, chịu những quá trình thoái triển, lão hóa và khó có thể sửa đi sửa lại dễ dàng.
* Theo ông, vì sao vẫn còn không ít cơ sở PTTM quảng cáo quá sự thật và cơ sở không phép cũng quảng cáo PTTM khiến khách hàng ngộ nhận, bị xấu đi hoặc bị biến chứng nguy hiểm?
- Đúng là có việc này, một số nơi có quảng cáo quá đáng, sai sự thật, bất chấp mọi lề lối, khuôn phép... Điều này làm xấu đi bộ mặt của ngành PTTM nước nhà, làm khách hàng mất niềm tin, làm tình đồng nghiệp sứt mẻ, tôn ti trật tự trong ngành y bị đảo lộn. Đây là một thực trạng làm đau đầu những người có trách nhiệm.
Còn tình trạng này là do chính sách quản lý còn nhiều bất cập, chưa có những chế tài nghiêm khắc để xử phạt, ngăn chặn những trường hợp trên. Nhiều nước đã cấm hoặc hạn chế tối đa việc quảng cáo trong ngành y.
Tôi cho rằng một số bác sĩ chưa thực sự có ý thức cùng chung tay xây dựng thương hiệu PTTM Việt lớn mạnh. Có người còn mang nặng lợi nhuận, lợi dụng sở thích của một bộ phận người dân để mượn thương hiệu nước ngoài như Hàn, Thái mà phát triển... Hậu quả là thương hiệu Việt bị chìm lấp ngay tại quê hương.